Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Thầu khoán xây dựng - ông là ai?

Thầu xây dựng được xem là một nghề thu nhiều lợi nhuận. Những người có kinh nghiệm trong nghề xây dựng, có vốn và muốn làm ăn lớn thường đứng ra thành lập công ty, doanh nghiệp. Còn những người cũng có chút ít kinh nghiệm nhưng không có vốn thì hoạt động theo kiểu của thầu nhỏ.

1. Từ thợ đến thầu
Một chủ thầu xây dựng không nhất thiết phải là một người thợ xuất sắc nhưng cần phải có sự am hiểu về xây dựng nói chung và có khả năng quản lý. Sự am hiểu này được xét trên các phương diện như: có kinh nghiệm tổ chức thợ làm việc, biết xem bản thiết kế, biết tính toán chi phí, khối lượng công việc phải làm… Nói thì đơn giản vậy nhưng từ một người thợ, tính từ khi mới vào nghề cho đến lúc có thể đứng ở vị trí chủ thầu phải mất từ 10 năm trong nghề trở lên.

Ngoài kinh nghiệm và sự hiểu biết về nghề, các chủ thầu xây dựng còn phải tập hợp được trong tay mình một đội ngũ thợ lành nghề. Anh Nguyễn Văn Dũng - một chủ thầu xây dựng ở KV 7, Phường Ngô Mây - cho biết: "Tùy theo công trình lớn nhỏ mà kêu thợ. Xây nhà 2-3 mê thì cần khoảng 30 người, gồm cả thợ, phụ và lao động, còn xây nhà nhỏ, sửa nhà thì chỉ cần 5-6 người là đủ. Trong đó, chủ thầu nào cũng có một số thợ tâm đắc". Thợ tâm đắc là những thợ giỏi, có mối quan hệ mật thiết với chủ thầu, là đội ngũ thợ nòng cốt mà chủ thầu gầy dựng được. Người trong nghề chỉ cần nhìn vào đội ngũ thợ tâm đắc của chủ thầu là có thể đánh giá được khả năng và uy tín của chủ thầu đó.

Do khả năng hạn chế nên các chủ thầu loại nhỏ này thường chỉ có thể nhận các công trình có quy mô nhỏ như xây, sửa chữa nhà ở, các công trình xây dựng đơn giản ở phạm vi trong tỉnh, thông qua các mối quan hệ như: quen biết cá nhân, nhận lại từ một nhà thầu lớn, qua các kỹ sư xây dựng, hoặc cũng có thể do kiến trúc sư, nơi bán vật liệu xây dựng… giới thiệu. Ngoại trừ do quen biết cá nhân, còn lại các chủ thầu đều phải chi hoa hồng cho những người giới thiệu công trình cho mình..

Cũng chính ở khả năng và quy mô hoạt động nhỏ nên vấn đề bảo hộ lao động cho thợ rất ít được các chủ thầu chú ý hay nói đúng hơn là thả nổi. "Thợ xây phải tự trang bị mũ, giày, găng, quần áo bảo hộ nếu thấy cần thiết" - một chủ thầu phát biểu. Và nếu chẳng may có thợ bị tai nạn lao động thì sự đền bù của chủ thầu cho người bị thiệt hại cũng chỉ ở mức bồi dưỡng sức khỏe chứ không phải là hỗ trợ tiền thuốc men.


2. "Mánh" của nhà thầu
Các chủ thầu đều từ chối cho biết thu nhập của mình và chỉ tiết lộ, thu nhập của họ sẽ lấy từ các khoản: tiền trách nhiệm, tiền chênh lệch giữa số phải trả công cho thợ và số chủ nhà trả cho thầu. Đối với các công trình nhà ở, chủ nhà thường khoán trọn gói tiền công cho chủ thầu, còn chủ thầu sẽ tính lại với thợ theo công nhật. Chỉ đến công đoạn hoàn thiện nhà (tô, lát nền, sơn, quét vôi), khi có sự thúc bách về thời gian thì chủ thầu mới khoán công việc cho thợ nhằm thúc thợ làm nhanh Chính vì thế, khả năng tính toán khối lượng công việc của chủ thầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm sao để số tiền chênh lệch giữa khoản chủ nhà trả cho thầu và thầu trả cho thợ càng nhiều càng tốt. Anh Hoàng Minh - một chủ thầu ở Phước Nghĩa, Tuy Phước - cho ví dụ: "Khi tính với chủ nhà, mình tính công trả cho thợ chính là 38.000đ/ngày nhưng thực tế chỉ trả cho họ 35.000đ/ngày thôi, số chênh lệch còn lại hiển nhiên là thầu hưởng". Mặt khác, tính toán để giảm chi phí công thợ cũng là một trong những kỹ năng mà các chủ thầu phải "nhuyễn" để tăng phần lợi nhuận cho mình. Anh Nguyễn Văn Sáu - một chủ thầu ở đường Vũ Bảo (Quy Nhơn) - tính toán: "Nếu một công trình cần chừng 10 người làm thì tôi sẽ kêu 7 thợ chính và 3 thợ phụ, trong đó có 2 thợ phụ là nữ. Nữ thì thường tỉ mỉ, gọn gàng nên phù hợp cho các công việc đòi hỏi sự khéo léo như quét vôi, sơn tường, trộn hồ, dọn dẹp công trường… mà tiền công phụ trả cho thợ nữ có khi thấp hơn thợ nam".

Ngoài ra, để thuyết phục các chủ nhà đồng ý cho mình nhận công trình, các chủ thầu cũng phải dùng những "tiểu xảo" trong nghề. Anh Nguyễn Tân - một chủ thầu ở Cát Hiệp, Phù Cát nay đã giải nghệ - bật mí: "Một trong những mánh mà chủ thầu dùng để thuyết phục chủ nhà là dự trù thời gian và chi phí xây dựng luôn thấp hơn mức thực tế. Đến khi làm thì cứ đổ cho phát sinh, công trình nào mà chẳng phát sinh, nên chủ nhà đành phải ráng gồng thôi". Và điều này được nhiều người từng xây nhà xác nhận. Chị Thao - nhà ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quy Nhơn) - kể: "Tôi xây nhà cấp 4 cho sinh viên thuê. Lúc xây ông chủ thầu nói chỉ tốn khoảng 35 triệu, cuối cùng xây xong chi phí lên tới 50 triệu, phát sinh gì mà dữ vậy?"

Một điều mà ít người biết và cũng là một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa một thầu nhỏ và một thầu lớn là, khi không có công trình, các chủ thầu nhỏ sẵn sàng đi làm công cho thầu khác như một người thợ bình thường.

Theo : Nguyễn Bích
Nguồn : www.baobinhdinh.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến